Lấn sân sang thương mại điện tử, TikTok tham vọng lật đổ Shopee, Lazada và Amazon
Không chịu khuất phục trước sức ép của nhiều quốc gia về chính sách siết chặt phạm vi hoạt động, TikTok vẫn mang trong mình một tham vọng lớn tăng doanh thu thương mại toàn cầu lên gấp 4 lần so với năm ngoái, tức đạt khoảng 20 tỷ USD.
TikTok đang đặt cược vào thị trường Đông Nam Á
Bất chấp những trở ngại, TikTok đang hướng đến mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô ở mảng kinh doanh thương mại toàn cầu, đưa chỉ tiêu tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) lên 20 tỷ USD trong năm nay (Theo tờ Bloomberg đưa tin). Rõ thấy, động lực chính để tạo ra những tăng trưởng này là nhờ vào tốc độ phát triển mạnh mẽ của TikTok tại thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia – nơi những người có ảnh hưởng (KOL) đua nhau livestream bán hàng.
Công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence cho biết tính đến tháng 5/2023, số lượng người dùng TikTok chỉ riêng Đông Nam Á đạt 135 triệu người. Còn theo Statistic, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với khoảng 113 triệu tài khoản (những người ở độ tuổi thanh niên chiếm 52% dân số).
Nếu thành công, đây sẽ là mức tăng trưởng ấn tượng nếu so với tổng giá trị hàng hóa (GMV) 4.4 tỷ USD của TikTok Shop trong năm 2022. “Startup mới nổi” đang nỗ lực trong hành trình tìm cách chiếm lấy “miếng bánh” thị phần lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử trị giá 17.000 tỷ USD khi động lực doanh thu chính từ mảng quảng cáo của thương hiệu đang có dấu hiệu chậm lại do suy thoái kinh tế.
Rào cản tại thị trường Mỹ và châu Âu
Nền tảng này cũng đang tìm cách mở rộng doanh số bán hàng ở thị trường Mỹ và châu Âu, mặc dù hai thị trường này chỉ chiếm một phần nhỏ trong mục tiêu GMV 20 tỷ USD. Những tham vọng của TikTok về việc mở rộng hoạt động thương mại điện tử đang vấp phải sự nghiêm khắc của giới chức Mỹ do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc hình thành mối quan hệ có lợi với các nhà bán và thương hiệu lớn có thể giúp TikTok tìm được đồng minh tại quốc gia này.
TikTok có ý định xuất khẩu mô hình thương mại tới Mỹ và giới thiệu tới 150 triệu người dùng ở đây. Họ cũng đề xuất hàng loạt biện pháp để xử lý những lo ngại quốc gia tại Mỹ gồm cả vấn đề dữ liệu người dùng và cho phép các đối tác như Oracle xem xét công nghệ. Tuy nhiên, bang Montana đã áp dụng luật cấm tải ứng dụng TikTok bắt đầu từ năm 2024 và các nhà làm luật cũng đang muốn áp dụng biện pháp tương tự với quy mô quốc gia.
Dù vậy, TikTok hiện đang là ứng dụng mạng xã hội gây nghiện nhất tại Mỹ. Trong năm 2022, người dùng trên thiết bị Android ở Mỹ dành trung bình 28.7 giờ mỗi tháng cho TikTok, tăng trưởng đáng kể so với mức 22.8 giờ của năm 2021 và vượt xa đối thủ Facebook.
ByteDance được thành lập từ hơn 1 thập kỷ trước bởi Zhang Yiming và Liang Rubo. Nhờ các nền tảng có tính lan truyền cao như TikTok và Douyin (phiên bản TikTok nội địa Trung Quốc), công ty đã nhanh chóng trở thành gã khổng lồ ngành Internet trị giá hơn 200 tỷ USD.
Trên thực tế, mua sắm trực tuyến chưa trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu mặc cho những nỗ lực thay đổi thói quen từ Instagram và những ứng dụng khác. Tuy nhiên, TikTok đang dựa trên thành công họ đã đạt được ở Trung Quốc mà đưa ra dự đoán sẽ phổ biến ở châu Âu.
TikTok Shop – Tham vọng lật đổ các ông lớn Shopee, Lazada và Amazon
Gã khổng lồ này trở thành một hiện tượng trong mảng thương mại điện tử và dần trở thành đối thủ đáng gờm của Shopee, Amazon.com và Lazada. TikTok Shop cho phép người dùng mua các mặt hàng khi lướt qua nguồn dữ liệu vô tận gồm video ngắn và phát trực tiếp trong ứng dụng truyền thông xã hội chính, qua đó thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng như một giải pháp thay thế cho Shopee và Amazon.com.
Sachin Mittal, Trưởng bộ phận nghiên cứu lĩnh vực viễn thông và Internet tại DBS, chia sẻ: “Lợi thế của TikTok là thôi thúc người dùng mua hàng khi đang xem video”.
Định dạng kết hợp giải trí với mua sắm đã giúp Douyin giành lấy một phần lớn chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc từ Alibaba và JD.com, đặc biệt là sau khi các quy tắc phong tỏa trong đại dịch khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho trực tuyến.
TikTok Shop vẫn là một phần nhỏ trong doanh thu 80 tỷ USD của ByteDance. Để so sánh, Sea Limited (công ty mẹ của Shopee) ghi nhận giá trị GMV trong lĩnh vực thương mại điện tử tăng 18% lên 73,5 tỷ USD vào năm ngoái còn Lazada của Alibaba là 31 tỷ USD.
Theo công ty nghiên cứu thương mại điện tử Cube Asia, GMV trên TikTok Shop tính riêng thị trường Indonesia đã vượt 2,5 tỷ USD và vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm. Trong khi đó, TikTok đã cắt giảm khoảng 2 tỷ USD so với mục tiêu bán quảng cáo vào năm 2022, phản ánh sự suy giảm đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa từ TikTok vào năm 2023 sẽ đạt mức tương đương 20% của Shopee. Theo chúng tôi, sự trỗi dậy của TikTok đã thôi thúc Shopee đẩy mạnh bán hàng và marketing kể từ tháng 4. Họ đang vào thế phòng thủ”, Shawn Yang, Chuyên viên phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, cho biết trong một báo cáo gần đây trên Sea Group, chủ sở hữu của Shopee.
Phát ngôn viên của TikTok cho biết TikTok Shop “tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng” khi các “tay chơi” lớn và nhỏ đều sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới. Vị này cho biết TikTok “tập trung vào sự phát triển liên tục của TikTok Shop ở Đông Nam Á”.
Mặc dù, TikTok đã mở rộng hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng của mình, tuy nhiên, nền tảng này chưa thực sự đạt được cùng mức độ cạnh tranh và quy mô với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada và Amazon. Nếu như Shopee, Lazada là hai sàn thương mại điện tử phổ biến ở Đông Nam Á và Amazon là một sàn thương mại điện tử quốc tế đứng đầu bảng thì TikTok Shop chỉ mới là “tay mơ” mới bước vào thị trường. Dẫu ra nhập muộn, nhưng TikTok Shop lại sớm có chỗ đứng tại thị trường thương mại điện tử nội địa.
Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Metric, 5 sàn lớn nhất hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop ghi nhận tổng doanh thu bán hàng lên tới 39.000 tỷ đồng trong quý I vừa qua. Trong đó, TikTok Shop đóng góp 15,3% tổng doanh thu bán hàng, đạt 6.000 tỷ đồng với 41,2 triệu sản phẩm giao thành công từ 68.411 nhà bán và đã vượt qua Tiki và Sendo.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu chuyên sâu về bán lẻ trực tuyến Cube Asia, người dùng có mua sắm trên TikTok Shop đang giảm chi tiêu cho Shopee (-51%), Lazada (-45%), kênh offline (-38%) ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Hiện TikTok đang đốt tiền để phát triển và giành thị phần. Jonathan Woo, Chuyên viên phân tích cấp cao của Phillip Securities Research, cho biết: “TikTok đang chi số tiền đáng kinh ngạc để thu hút cả người mua và người bán. Chiến lược này có thể không bền vững”. Woo ước tính TikTok chi khoảng 600-800 triệu USD/năm cho các ưu đãi này, tức chiếm 6%-8% tổng giá trị bán hàng trong năm 2023.
Để khuyến khích người bán tham gia nền tảng, TikTok Shop đã miễn thu phí hoa hồng khi ra mắt tại Singapore vào tháng 8/2022. Người bán chỉ phải trả phí thanh toán 1%. Trong khi đó, Shopee thu hơn 5% phí hoa hồng, giao dịch và dịch vụ.
Nếu đạt được mục tiêu tham vọng 20 tỷ USD, TikTok có thể chứng minh thương mại qua livestream có thể thu hút một lượng người dùng nhất định và giành lấy thị phần từ hoạt động mua sắm trực tuyến truyền thống.
Tạm kết
Đánh giá một cách khách quan, TikTok là một nền tảng có tiềm năng cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử do sở hữu một cộng đồng người dùng lớn, cùng với sự phổ biến và phát triển mạnh mẽ của ứng dụng đối với giới trẻ. Nền tảng có thể tận dụng sức hấp dẫn của mình để tạo những trải nghiệm mua sắm mới lạ và thu hút. Tuy nhiên, thành công của TikTok còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Mặt khác, mới đây, TikTok cũng đang bị cơ quan quản lý Việt Nam thanh, kiểm tra do xuất hiện nhiều biểu hiện vi phạm. Đối với hoạt động thương mại điện tử, xác định ban đầu cho thấy TikTok Shop không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái…