Facebook không giữ lời hứa

Facebook từng hứa rằng đây sẽ là nền tảng miễn phí mãi mãi cho người dùng. Tuy nhiên, việc họ bán tick xanh cho thấy điều này không còn đúng.

Vài năm đầu hoạt động, Facebook luôn đặt khẩu hiệu “It’s free and always will be” (Miễn phí và sẽ luôn như vậy) rất nổi bật ở trang chủ, nơi người dùng lần đầu đăng ký tài khoản. Đây giống như một lời hứa về tôn chỉ hoạt động của nền tảng này.

Đến tháng 8/2019, Facebook lặng lẽ xóa dòng dữ liệu này đi và thay thế bằng khẩu hiệu mới “It’s quick and easy” (Nhanh chóng và dễ dàng). Đến ngày 19/2 vừa qua, CEO Mark Zuckerberg chính thức thông báo về dịch vụ thu phí hàng tháng với dấu xác minh chính chủ. Đáng nói, những lợi ích có thêm khi trả tiền vốn phải được Facebook hỗ trợ người dùng miễn phí.

Quyền lợi có được khi trả phí

Theo thông báo chính thức của Facebook, khi người dùng trả 12-15 USD cho gói Meta Verified mỗi tháng, họ sẽ nhận được huy hiệu đã xác minh trên nền tảng.

Dấu tick xanh này từng một thời chỉ cung cấp giới hạn cho người nổi tiếng. Theo ông Phùng Tuấn Anh, người được cấp xác minh tài khoản Facebook từ 2019, tính năng này giúp người dùng trở nên nổi bật hơn khi được tìm kiếm hoặc hoạt động trên mạng xã hội.

 
facebook mien phi anh 1

Lời hứa mãi mãi miễn phí của Facebook không được giữ khi họ bán tick xanh. Ảnh: Facebook.

Ngoài ra, Meta cho biết người dùng trả phí mỗi tháng sẽ được “bảo vệ nhiều hơn để chống mạo danh”. Theo đó, chủ tài khoản được quyền giám sát chủ động những tài khoản giả mạo, báo cáo và được nền tảng giải quyết nhanh hơn.

Đồng thời, chỉ người dùng trả phí mới nhận được hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên của Facebook. Cụ thể, khi mua Meta Verified, họ được tiếp nhận bởi một nhân viên chăm sóc khách hàng nếu gặp vấn đề với tài khoản, dịch vụ.

Trước đó, người dùng khi gặp sự cố với tài khoản Facebook, bị khóa hoặc mạo danh, chỉ có thể báo cáo qua các cổng tiếp nhận hoặc hệ thống email phản hồi tự động. Đồng thời, đa phần vấn đề không được giải quyết hoặc phải đợi rất lâu, 5-7 ngày làm việc. Thời gian kéo dài thêm khi Facebook cắt giảm nhân viên hoặc đội ngũ phải làm việc tại nhà do dịch bệnh Covid-19.

Như một cách Facebook “bảo kê”

Tại Việt Nam, một ngành nghề với tên gọi “dịch vụ Facebook” xuất hiện từ chính những vấn đề của Facebook. Khi người dùng gặp sự cố, không được nền tảng giúp đỡ, họ phải tìm đến các bên hỗ trợ mất phí bên ngoài.

Trả lời Zing, ông P.M, một người làm dịch vụ Facebook lâu năm cho biết giới “tricker” Việt Nam nắm nhiều mẹo, đầu mối, địa chỉ để làm việc với Facebook, được nền tảng hỗ trợ khi gặp vấn đề. Đồng thời, một số người chuyên chạy quảng cáo, chi trả nhiều tiền được công ty hỗ trợ riêng, nhanh chóng giải quyết khi cần thiết.

 
Dấu tick xanh như một hình thức "bảo kê" của Facebook. Ảnh: Xuân Sang.
  •  
  •  
facebook mien phi anh 2

 

Dấu tick xanh như một hình thức "bảo kê" của Facebook

 

Thuê dịch vụ hỗ trợ cũng tương tự việc bỏ tiền hàng tháng mua tick xanh để được Facebook “bảo kê”. “Meta yêu cầu người dùng trả tiền để họ cảm thấy an toàn hơn trên chính nền tảng. Điều này giống như chiến thuật vòi tiền bảo kê của mafia”, The Atlantic nhận định.

Ngoài dấu tick xanh, khách hàng mua Meta Verified được bảo vệ khỏi tài khoản mạo danh và có quyền tiếp cận trực tiếp nhân viên của Facebook khi gặp vấn đề. The Atlantic cho rằng đây là những điều khách hàng được quyền yêu cầu nền tảng cung cấp miễn phí.

Thực tế, chính hàng tỷ người dùng trên nền tảng mới là phần mang lại doanh thu khổng lồ cho Facebook, chứ không phải một nhóm nhỏ mua tick xanh. Meta (công ty chủ quản của Facebook, Instagram, Whatsapp) thu về 116 tỷ USD trong năm 2022, chủ yếu đến từ tiền quảng cáo trên các mạng xã hội.

Trong khi đó, một báo cáo được tiết lộ cho thấy Twitter sau khi mở bán tick xanh đã nhận được 290.000 người đăng ký, mang lại doanh thu 2,4 triệu USD/tháng.

Facebook, Twitter, Tumblr cũng ra mắt một chiến dịch tương tự nhau về dấu xác minh trên mạng xã hội. Những bước đi đồng thời khiến người người dùng cảm thấy như thời kỳ miễn phí của các dịch vụ thời Web 2.0 đã kết thúc.